(VTC News) – Có bao nhiêu tiền, anh đổ hết vào những củ sâm, để thỏa mãn niềm đam mê kỳ lạ.
Kỳ 1: Kỳ công với “linh khí trời đất”
Sâm Ngọc Linh là thứ “linh khí của đất trời”, nên để sở hữu một vài củ sâm hoang dã là điều cực khó. Thế nhưng, có một người, lại sở hữu đến 3.000 củ sâm. Anh đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng, mua những củ sâm hoang dã, quý hiếm, cả trăm năm tuổi đặt chúng trong bình rượu, bày nơi trang trọng, để ngày ngày ngồi ngắm chơi.
Sâm Ngọc Linh như thứ bùa mê thuốc lú với người đàn ông này. Có bao nhiêu tiền, anh đổ hết vào những củ sâm, để thỏa mãn niềm đam mê kỳ lạ.
Gặp được anh Nguyễn Thanh Tuyền không phải dễ dàng, bởi anh rất bận, đi công tác suốt. Anh Tuyền hiện là lãnh đạo một công ty của Mobifone, mới tăng cường ra Hà Nội, nhưng kho rượu sâm của anh lại ở trong Đà Nẵng.
Anh Tuyền ngồi ngắm bình rượu sâm trên chiếc bàn gỗ hóa thạch khổng lồ, giữa khu vườn đầy hoa lá, chim muông |
Hẹn hò mãi, rồi một ngày cuối tuần, tôi cũng gặp được anh, ở kho sâm bí mật, trong một con ngõ lớn, ở quận Hải Châu (TP. Đà Nẵng).
Cuối con ngõ lớn, nép sau những tòa nhà cao tầng, là một khu vườn đặc biệt. Khoảnh đất rộng gần ngàn mét vuông như chốn bồng lai tiên cảnh, với chim ca ríu rít, với suối chảy róc rách, với non núi lô nhô, cây cối rậm rạp. Những gốc cây, thân gỗ ngả nghiêng, dựng đứng hóa ra toàn là gỗ hóa thạch, hoặc nửa hóa thạch.
Những bình sâm quý, nhiều năm tuổi |
Mới đây, Quảng Nam đã trình Chính phủ đề án phát triển cây sâm Ngọc Linh, nhằm biến vùng đại ngàn Ngọc Linh trở thành thủ phủ sâm quốc gia. Đề án có tổng nguồn kính phí đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng, tương đương 450 triệu USD để phát triển vùng sâm chuyên canh 19.000 ha, tại 7 xã của huyện Nam Trà My. Trong đó, kinh phí kêu gọi doanh nghiệp đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng. Theo đề án, đến năm 2025, Việt Nam sẽ trở thành nước sản xuất sâm đứng thứ hai thế giới (sau Hàn Quốc), với sản lượng 500-1.000 tấn, cho nguồn thu từ 1,5 đến 2 tỷ USD mỗi năm. |
Ông chủ khu nhà vườn Nguyễn Thanh Tuyền ngồi trên chiếc ghế đẽo bằng thứ gỗ hóa thạch màu hồng, trông như hồng ngọc, vừa nhấp ly trà chế biến bằng thân, lá cây sâm, vừa ngắm bình rượu sâm, là tác phẩm mới của anh.
Tôi khá ngạc nhiên, khi anh Nguyễn Thanh Tuyền thả nguyên cả cây sâm, gồm cả củ, rễ, thân, lá vào trong bình rượu. Anh lắc bình, lá dập dềnh, sóng sánh, trông rất đẹp mắt. Những chiếc lá sâm vốn màu xanh, sau vài ngày ngâm rượu, đã chuyển sang màu bạc.
Thấy tôi thắc mắc chuyện ngâm cả cây sâm trong bình, anh Tuyền giải thích: “Mình là người chơi sâm, mê sâm, chứ không phải dân kinh doanh, buôn bán sâm, cũng không phải là dân nghiện rượu sâm. Mình muốn thưởng thức vẻ đẹp của sâm, nên bây giờ mình ngâm nguyên cả cây sâm trong bình rượu. Mình muốn cây sâm được bảo tồn vĩnh viễn trong những bình rượu của mình, để làm tiêu bản”.
Theo lời anh Tuyền, mặc dù nhiều nhà khoa học tuyên bố sâm Ngọc Linh hoang dã đã biến mất khỏi tự nhiên từ cả chục năm nay, chỉ còn sâm trồng, tuy nhiên, anh Tuyền vẫn mua được thứ “linh khí trời đất” này ngoài tự nhiên.
Theo anh, để có được nguồn sâm tự nhiên, anh phải có quan hệ đặc biệt với các đầu nậu, những người chuyên đi rừng săn sâm.
Dãy núi Ngọc Linh kéo dài từ Quảng Nam, qua Kon Tum, sang tận Lào, tương đối rộng lớn. Hiện nguồn sâm hoang dã ở lãnh thổ Việt Nam đã cạn kiệt, nhưng phía bên Lào, rừng rậm hoang vu, nên thi thoảng vẫn kiếm được sâm.
Một góc phòng trưng bày những củ sâm tuyệt đẹp của anh Nguyễn Thanh Tuyền |
Việc khai thác một củ sâm ngoài tự nhiên cho anh Nguyễn Thanh Tuyền cũng vô cùng cầu kỳ. Khi thợ khai thác sâm tìm được một cây sâm, họ sẽ đánh nguyên cả bồng, tức là đất đá xung quanh.
Khi đánh bồng lên, thì dội một ít nước vào, để đất tơi ra, rụng khỏi gốc sâm. Cầu kỳ như thế, thì những sợi rễ li ti như sợi tóc sẽ không bị đứt, vẫn bám ở củ sâm. Củ sâm nguyên vẹn từ rễ, đến lá, sẽ cho một tác phẩm đẹp, toàn mỹ.
Mỗi khi dân săn sâm, đầu nậu kiếm được một củ sâm hoang dã, họ sẽ gọi điện cho anh Nguyễn Thanh Tuyền. Nhận được thông báo có sâm hoang dã, dù đang bận rộn, thậm chí công tác ở nước ngoài, anh Tuyền cũng cố gắng sắp xếp công việc để vào Ngọc Linh ngay lập tức.
Những củ sâm tuyệt đẹp |
Anh Tuyền có sở thích ngâm cả cây sâm trong bình rượu |
Các đầu nậu sẽ giữ nguyên củ sâm ở vị trí khai thác được, hoặc vận chuyển cẩn thận, giữ nguyên bồng đất, đem ra nơi có đường đi. Anh Tuyền sẽ chuẩn bị một chiếc bình thửa, rượu ngon, cùng các thiết bị chuyên dụng tìm đến nơi cất giữ cây sâm ngay lập tức.
Anh dùng chiếc máy xịt nước như phun sương để nhẹ nhàng bóc từng hạt cát, bụi bẩn bám trên cây sâm, rồi dùng khăn thấm nước để lau củ sâm cẩn thận.
Mầm sâm làm mẫu |
Sâm non |
Sâm trưởng thành |
Theo anh Tuyền, saponin trong sâm hòa tan trong nước, nên hạn chế rửa sâm, nếu có phải rửa, thì phải rửa nhanh, nhẹ nhàng. Tốt nhất là phun sương để loại đất, cát, rồi dùng khăn sạch, giấy sạch lau tỉ mẩn từng ngóc ngách, để làm sạch sâm. Khi đã vệ sinh sạch cây sâm, thì toàn bộ cây sâm được đặt vào bình rượu.
Sở dĩ, anh Tuyền phải mang rượu, bình lên tận nơi phát hiện sâm, là bởi vì kiếm được củ sâm hoang dã rất khó, nên nếu bảo quản không đúng cách, vận chuyển không cẩn thận, làm gẫy củ sâm, thì giá trị của củ sâm sẽ mất đi rất nhiều.
Ngoài ra, anh Tuyền thích chơi sâm cả lá, nên làm cách đó, lá sâm không bị dập, gãy, sẽ giữ được nguyên vẹn. Làm như thế, sau này, sâm Ngọc Linh hoang dã có tuyệt chủng, thì người đời vẫn được chiêm ngưỡng từng chi tiết, toàn vẹn thứ “linh khí trời đất” này.
Niềm đam mê sâm Ngọc Linh đến với anh Nguyễn Thanh Tuyền hơn chục năm trước, khi anh đi tìm cây thuốc để cứu người bạn thân bị ung thư. Một lần, trong chuyến công tác vào Quảng Nam, Kon Tum, anh Tuyền đã gặp lương y Đào Kim Long – người phát hiện ra sâm Ngọc Linh vào năm 1973. Nghe vị lương y này nói về sâm Ngọc Linh, anh Tuyền đã mê sâm như điếu đổ. Anh mua sâm về cho người bạn bị ung thư bồi bổ và sức khỏe người bạn tốt lên trông thấy. Từ đó, anh Tuyền đắm đuối với sâm. Anh vừa sưu tầm sâm như một thú vui, giữ gìn gen quý, vừa để có nguồn dược liệu chữa bệnh cho mình và người thân. |
Kỳ 3 : Công nghệ chế biến tiên tửu